Văn hóa đọc hiện nay đang là vấn đề thu hút sự chú ý, quan tâm của xã hội. Vấn đề này không còn là “chuyện của độc giả” ở Mỹ và các nước phương Tây mà nó trở thành vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Văn hóa đọc ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và phát triển đã mở ra rất nhiều cơ hội mới và cả những khó khăn, thách thức. Trong kỳ họp lần thứ 28 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại Paris (Pháp) từ ngày 25/10/1999 đến ngày 16/11/1999, tổ chức UNESCO đã quyết định chọn ngày 23/4 hàng năm là ngày “Sách và bản quyền thế giới”. Đây là một hoạt động nhằm tôn vinh vai trò, giá trị của sách, khuyến khích người đọc và tôn vinh văn hóa đọc. Các hoạt động về sách và văn hóa đọc diễn ra tại nhiều châu lục trên thế giới như ở châu Phi, Bắc Mỹ, châu Âu... Ở châu Á xuất hiện nhiều chương trình như “Một cuốn sách một đóa hồng”; “Ngày hội đọc sách cùng con trẻ” (Trung Quốc); Malaysia với dự án điều tra tổng thể về văn hóa đọc thường xuyên làm trong 20 năm nay... Tại Việt Nam, văn hóa đọc được đề cập đến trong nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, các buổi giới thiệu sách tôn vinh văn hóa đọc: “Sách và chấn hưng văn hóa đọc” tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 6/5/2012; “Ngày hội sách và văn hóa đọc” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội từ ngày 21 - 22/4/2012. Tra cứu mục từ “Văn hóa đọc” trên trang tìm kiếm google có đến 60.400.000 kết quả trong vòng 0,32 giây. Điều này cho thấy, văn hóa đọc thực sự thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đặt trong bối cảnh hội nhập và phát triển ở Việt Nam, vấn đề nghiên cứu văn hóa đọc có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Một mặt nó giúp chúng ta có cái nhìn bao quát thành tựu hoạt động đọc, đánh giá được thực trạng văn hóa đọc, những hạn chế để từ đó có giải pháp và kiến nghị, định hướng, chỉ dẫn đọc cho công chúng, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay.
1. Văn hóa đọc
Thuật ngữ Văn hóa đọc đến thời điểm hiện tại chưa có trong mục từ điển, chưa được coi là một định nghĩa hay khái niệm hoàn chỉnh và thống nhất. Trong thời đại bùng nổ thông tin, khoa học kỹ thuật phát triển, văn hóa đọc không chỉ giữ phương thức đọc truyền thống (sách in) mà chuyển sang phương thức hiện đại (đọc trên các thiết bị điện tử máy tính, internet, điện thoại...) đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của độc giả trong đó có giới trẻ. Điều này cho thấy văn hóa đọc cần khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng lớn đến xã hội. Theo Thạc sỹ Bùi Văn Vượng, thuật ngữ văn hóa đọc là đọc sách có văn hóa, hay xây dựng một xã hội đọc sách. Tiến sỹ Lê Văn Viết lại quan niệm đọc ở một mức độ, trình độ nhất định nào đó thì mới được coi là văn hóa đọc. Còn PGS.TS nhà ngôn ngữ học Phạm Văn Tình khẳng định:
“Văn hóa đọc chính là thái độ, là cách ứng xử của chúng ta đối với tri thức sách vở. Phải biết đọc sao cho hợp lý và bổ ích. Đọc sao cho hợp với quy luật tiếp nhận tri thức”[1]. Trong hội thảo tại thành phố Hồ Chí Minh (2010) “Văn hóa đọc, thực trạng và giải pháp”2 thì khái niệm “văn hóa đọc” được lý giải theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, văn hóa đọc là cách ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của các nhà quản lý và các cơ quan quản lý nhà nước; ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của cộng đồng và ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân trong xã hội. Xét từ góc độ cá nhân, văn hóa đọc cần hội tụ đủ 3 yếu tố là thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc. Theo nghĩa hẹp “văn hóa đọc là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân hình thành nên: Thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc. Các yếu tố này có mối quan hệ mật thiết với nhau cùng bổ sung, bồi đắp cho nhau. Khi cá nhân có những ứng xử, giá trị và chuẩn mực đúng đắn, lành mạnh sẽ hình thành thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc lành mạnh. Còn Giáo sư Chu Hảo trong hội thảo
“Sách và chấn hưng giáo dục” có nhắc đến ba yếu tố cấu thành nên Văn hóa đọc là thói quen đọc, phương pháp chọn sách và kỹ năng đọc. Ông cho rằng, cả ba yếu tố này luôn bổ trợ cho nhau và chỉ hình thành khi mỗi độc giả được huấn luyện từ lúc nhỏ...
Như vậy, văn hóa đọc đã vượt lên khái niệm đọc đơn thuần, nó hướng đến giá trị nghệ thuật đích thực, hướng đến các ứng xử, giá trị và chuẩn mực thẩm mỹ của công chúng.
2. Thực trạng văn hóa đọc ở Việt Nam
2.1. Thực trạng đọc sách của công chúng hiện nay
+ Xu hướng lười đọc sách, ngại đọc sách và sự “phai nhạt” thói quen đọc sách của công chúng hiện nay.
Trước sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông đại chúng và các tiện ích xã hội như báo điện tử, truyền hình, facebook, youtube… tưởng chừng như không còn chỗ cho việc đọc sách, người đọc không còn hứng thú với sự đọc. Sách in không “cạnh tranh” được với sách điện tử tiện ích, cập nhật thông tin. Mặt khác, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, nhiều vấn đề cấp bách như kinh tế, môi trường, chính trị, văn hóa đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, giao lưu giữa nhiều quốc gia. Đây là cơ hội thuận lợi để phát triển văn hóa nhưng cũng là khó khăn thách thức cho văn hóa đọc. Thực tế cho thấy, các cuộc điều tra gần đây ở Mỹ, vấn đề đọc, đọc những gì và đọc như thế nào là “chuyện không chỉ của độc giả”
[2] [3] được tác giả Kevin Nance
[3] công bố qua cuộc điều tra của NEA (Quỹ nghệ thuật quốc gia Mỹ). Theo điều tra, thực tế tại quốc gia phương Tây này, việc đọc đang bị rơi vào “khủng hoảng”, “đáng sợ”, “buồn”, “tăm tối” vì việc đọc “sự suy giảm đến mức tệ hại” nhất là với giới trẻ. Trẻ ở độ tuổi 13 không còn hứng thú đọc sách hằng ngày “kém đi 14% so với hai thập kỷ trước”. Như vậy, giới trẻ ở Mỹ hứng thú dành cho đọc sách ngày càng giảm và thời gian dành cho việc đọc cũng bị rút ngắn xuống. Cụ thể, dân số Mỹ có độ tuổi từ 15 – 24 tuổi xem ti vi 2h/ ngày, trong khi chỉ dành 7 phút cho việc đọc sách. Khi dự án điều tra mở rộng nghiên cứu các tài liệu thiên về hư cấu, thơ, kịch, tiểu thuyết và truyện ngắn đều dẫn đến một chuẩn đoán nghiệt ngã “từ trẻ em đến người lớn ở Mỹ, đâu đâu cũng thấy việc đọc đang bị coi nhẹ”
. Tại Hà Lan, cương lĩnh có tên là Stiching Lezen (1998) hướng đến việc nâng cao sự đọc đã chỉ ra rằng: Người Hà Lan hiếm khi đọc sách báo. Còn ở Malaysia văn hóa đọc được tiến hành nghiên cứu, điều tra trên quy mô toàn quốc thường xuyên mấy chục năm nay. Dự án này là dự án lớn điều tra tổng thể về văn hóa đọc nhằm đưa đến những đánh giá tổng quát nhất về tình hình đọc sách ở quốc gia này. Tại Việt Nam, trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế, chúng ta tham gia hội nhập thế giới trên nhiều lĩnh vực trong đó có cả lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, văn hóa đọc đặt trong sự phát triển văn hóa ở Việt Nam được quan tâm nhưng chưa có sự thống nhất và hệ thống. Vấn đề này được Giáo sư Chu Hảo khẳng định trong một bài viết “Người Việt Nam chưa có văn hóa đọc”
[4]. Tại hội thảo “Người Việt có mê đọc sách” diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh ngày 14/3/2008 đã chỉ ra thực trạng “lười đọc”, “đọc ít” và “đọc theo phong trào”, theo “tâm lý đám đông” của phần nhiều giới trẻ hiện nay. Trong đó văn hóa đọc mới chỉ dừng lại ở việc đọc chủ yếu là tra cứu tài liệu, đọc sách theo thị hiếu đám đông còn thói quen đọc, kỹ năng đọc như thế nào chưa được bạn đọc chú ý và đầu tư. Cụ thể hơn số lượng đọc không đều, có người đọc nhiều và có người đọc ít.
Tình trạng lười đọc sách, trong đó có sách văn học diễn ra ở nhiều thành phần xã hội, ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Với giới trẻ việc đọc sách ngày càng có xu hướng giảm mạnh. Internet ra đời với tiện ích của nó đã trợ giúp và tạo ra phương thức đọc mới là phương thức đọc hiện đại. Phương thức đọc hiện đại và phương thức đọc truyền thống gắn kết với nhau tạo nên sự kết nối từ sách in đến sách điện tử; từ văn hóa đọc chuyển dịch sang văn hóa nghe nhìn. Ngày nay tình trạng đọc nhanh, đọc ngắn, đọc sách mỏng là một trong những tiêu chí được người đọc trẻ hướng đến và lựa chọn. Theo số liệu điều tra trong năm 2008 [7], 2010, và 2012 người đọc, sự đọc là trung tâm nghiên cứu. Dựa vào đặc điểm giới, nghề nghiệp, độ tuổi được giới hạn từ 15 – 35 tuổi, trong đó độ tuổi thường xuyên đọc sách văn học là 15 – 25 tuổi (chủ yếu là học sinh – sinh viên). Theo số liệu điều tra năm 2008, bạn đọc tìm đến tác phẩm văn học mới và hấp dẫn có sự chênh lệch khá rõ. Giữ mức độ thường xuyên là 27,5%, mức độ thỉnh thoảng là 55,8%, còn ở mức độ hiếm khi là rất thấp 2,5%. Như vậy, việc tìm đọc sách văn học của giới trẻ (sinh viên) hiện nay chỉ dừng lại ở mức độ thỉnh thoảng là chủ yếu có nghĩa là thói quen đọc sách văn học đang giảm dần. Để làm sáng tỏ hơn nữa về hành vi đọc và mức độ đọc sách văn học, nhóm điều tra đã tiến hành 02 cuộc khảo sát tại địa bàn Hà Nội 2010 và năm 2012 Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh đối tượng đọc là những người trẻ có độ tuổi từ 15 – 30 tuổi
Biểu 2: Tương quan mức độ đọc sách văn học của giới trẻ (2010 – 2012)
So với năm 2010 thì năm 2012 mức độ đọc của giới trẻ có xu hướng tăng không đáng kể. Cụ thể giữ mức độ thường xuyên từ 30,8% (2010) tăng lên 37,4% (2012), giữ mức độ đọc thỉnh thoảng có xu hướng giảm từ 56,6% (2010) xuống còn 52,8% (2012); còn mức độ khác cũng đều có xu hướng giảm. Tuy nhiên, con số cụ thể này là tín hiệu đáng mừng cho sự nỗ lực cố gắng của nhiều tổ chức khi quan tâm đến văn hóa đọc, nhằm cải thiện vị trí của văn học trong lòng bạn đọc, khi văn hóa nghe nhìn phát triển mạnh mẽ.
+ Hứng thú đọc và sự hình thành các “kiểu đọc”, “phương thức đọc” hiện đại.
Theo kết quả điều tra năm 2008 về “nhu cầu ”đọc sách văn học” [7] thì thể loại văn học được sinh viên quan tâm nhiều nhất và thường xuyên là tiểu thuyết chiếm tỷ lệ 81,8% trong khi đó ở mức độ thường xuyên là truyện ngắn: 69,7%, thơ: 30,3%, văn chính luận có tỷ lệ 24,2%, thấp nhất là thể ký 3%. Từ đó đối sánh kết quả nghiên cứu trong hai năm liên tiếp (2010 – 2012) về mức độ tương quan hấp dẫn của thể loại văn học.
Biểu 3: Tương quan thể loại văn học được bạn đọc yêu thích (2010 - 2012)
Thể loại văn học thu hút độc giả nhiều nhất vẫn là truyện ngắn và ngày càng có xu hướng tăng dần theo thời gian. Năm 2010 chiếm tỷ lệ 63,5% (trong tổng số người được hỏi) thì đến năm 2012 tỷ lệ % này đã tăng lên 73,4% (tổng số người được hỏi. Tiếp theo đó là tiểu thuyết 54,4% (2010) tăng lên 59,1% (2012). Hai thể loại, thơ và ký chưa thu hút được số đông bạn đọc quan tâm và yêu thích. Như vậy, dưới tác động của cơ chế thị trường, sự phát triển của nhiều loại hình giải trí khác nhau, truyện ngắn và tiểu thuyết thu hút sự chú ý quan tâm của bạn đọc vì nhiều lý do: Truyện ngắn, ngắn gọn đỡ mất thời gian chiếm tỷ lệ 45,0% (tổng số người được hỏi đồng tình); Tiểu thuyết, đặt ra được nhiều vấn đề xã hội chiếm tỷ lệ 57,9% (tổng số người được hỏi đồng tình). Sự đồng tình này phù hợp với tỷ lệ lựa chọn, sự hứng thú yêu thích truyện ngắn và tiểu thuyết chiếm tỷ lệ cao nhất trong hai năm qua. Như vậy, nếu xét theo quan điểm của R. Escarpit đây sẽ là nhóm độc giả hành động theo sự “dấn thân”. Họ thường thích đọc truyện và tiểu thuyết ít khi đọc phóng sự và chính luận. Họ - là độc giả chọn sách theo tên tác giả, chú ý đến tình cảm, cảm xúc nhiều hơn khi đọc tác phẩm và là người “hành trình” cùng với tác giả, trải nghiệm cuộc sống qua tác phẩm. Đó chính là người đọc thuộc kiểu thứ nhất - kiểu đọc “chủ quan” mà Escarpit đã nghiên cứu và chỉ ra. Để cụ thể hơn cho vấn đề này nhóm thực hiện đề tài đưa ra một số lý do khiến người đọc cảm thấy thích và hứng thú “Truyện ngắn dễ đọc và cũng tiện lợi khi mang đi đâu đó”, “Truyện ngắn gắn với đời thường, dễ hiểu, gần gũi với đời sống thực tiễn”. Từ góc độ giới tính, theo kết quả điều tra nữ giới là người đọc chiếm ưu thế so với nam giới khi lựa chọn thể loại văn học cho mình. Nữ chiếm 80,6% khi lựa chọn đọc tiểu thuyết trong khi nam giới chỉ là 19,4 %, tương tự thể loại thơ, ký, phóng sự đều nghiêng phần nhiều về giới nữ. Theo khảo sát năm 2010, lý do mà giới trẻ tìm đọc sách văn học chủ yếu là đọc theo cảm hứng chiếm tỷ lệ 42,5%, và đọc sách văn học không vì lý do nào mà chỉ là thích đọc. Trong khi chỉ có 8.5% số người được hỏi là giới trẻ trả lời rằng họ đọc sách văn học như một thói quen. Điều này có nghĩa rằng: Trong sự ham thích đọc, thói quen đọc sách đang dần phai nhạt. Người đọc có xu hướng đọc theo cảm hứng và đọc theo ý thích cá nhân, thụ động. Khi được hỏi về mục đích của việc đọc sách văn học đối với giới trẻ thì lý do chủ yếu đưa ra: Đọc sách văn học để giải trí, thư giãn sau những lúc căng thẳng chiếm tỷ lệ 67%, tiếp đó là vấn đề đọc nâng cao kiến thức, vốn hiểu biết cuộc sống chiếm tỷ lệ 61,3% đứng vị trí thứ hai. Tiến hành phỏng vấn bạn trẻ là sinh viên - họ bày tỏ quan điểm, văn học ngày nay ngoài mục đích hướng đến chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ còn mang đến chức năng giải trí – thư giãn. Như vậy, một tác phẩm văn học hay chưa đủ, tác phẩm ấy phải được dư luận quan tâm, có nghĩa là “một hiện tượng văn học” xuất hiện được cộng đồng “phản ứng” chú ý. Điều đó tạo nên tính “vấn đề” và tạo được “hiệu ứng” thu hút độc giả. Kết quả điều tra cho thấy: Tác phẩm văn học thu hút được số đông bạn đọc là tác phẩm tạo được sự chú ý của dư luận: Có 79,2% đồng tình lý do này. Tác phẩm “có vấn đề” bị ràng buộc bởi các thiết chế văn hóa (tạo dấu ấn bằng việc bị phê bình, bị chỉ trích) có 79,9% đồng tình lý do này.
- Việc lười đọc nhất là với người đọc trẻ thể hiện ở thời gian dành cho việc đọc sách (sách văn học). Theo kết quả điều tra “Thực trạng đọc sách văn học hiện nay”
[1] (2012) có đến 35% số người được hỏi trả lời đọc sách dưới 30 phút/ngày; 20% số người đọc sách từ 30 phút đến 2 giờ/ngày; còn trên 2 giờ/ngày là 10%; còn nhu cầu đọc khi nào thấy thích, hứng thú chứ không mặc định vào thời gian nào là 45%. Như vậy, thời gian dành cho việc đọc sách của giới trẻ ngày càng có xu hướng giảm, và giảm mạnh theo nhu cầu của bản thân và ảnh hưởng của phương tiện truyền thông đa phương tiện. Thời gian mà người đọc thường là “lúc nào có thời gian rảnh thì đọc” chiếm tỷ lệ 53,6% với những người đã đi làm; với người đọc là giới trẻ (sinh viên), thời điểm dành cho việc đọc sách thường là đêm chiếm tỷ lệ 52,7% còn các thời điểm khác như sáng, trưa, chiều thì tỷ lệ đọc rất ít. Như vậy, bên cạnh các loại hình giải trí khác thì thói quen đọc trở nên “khó khăn” trong quỹ thời gian eo hẹp của giới trẻ. Giới trẻ đọc sách và đọc sách văn học chủ yếu tranh thủ đọc qua mạng là 45%, qua sách in là 20,1%, qua nghe đài và xem ti vi là 14,9%, còn qua điện thoại di động là 20%. Lựa chọn loại hình đọc này đã tạo ra những điểm tích cực của nó, đó chính là việc xuất hiện văn học mạng. Đây có thể coi là nơi trao đổi thông tin, bình luận, phản hồi của độc giả trực tiếp tới người viết, là sự trao đổi giữa người đọc với nhau. Mặt khác, thông qua hình thức văn học này tạo ra sự đa chiều trong cách đọc và tạo điều kiện thuận lợi cho người viết. Nó còn là kênh quảng cáo và giới thiệu sản phẩm sách nhanh nhạy nhất đến với công chúng. Việc hình thành thói quen đọc sách mới, phương thức đọc sách hiện đại của người đọc phần nào phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thị trường và khoa học công nghệ. Như vậy, xét từ góc độ tích cực, mạng internet và các phương tiện truyền thông giải trí đã mang đến những phương thức đọc mới, hình thành thói quen đọc sách mới cho người đọc. Về phía các nhà xuất bản như: Kim Đồng, Văn học, Giáo dục, Nhã Nam… có cơ hội trong việc quảng bá sách văn học, gia tăng các đầu sách dịch nước ngoài, sách trong nước phục vụ nhu cầu của độc giả. Từ đó việc hình thành các chuỗi cửa hàng, các chuỗi thư viện điện tử góp phần tích cực trong công tác giáo dục văn hóa đọc cho công chúng, góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận.
- Tình trạng người đọc thích đọc truyện tranh dễ hiểu hơn là những cuốn sách dày, mang tính lý luận là xu hướng phổ biến hiện nay. Theo điều tra của Cục Xuất bản có 50% sách được ưa thích là sách minh họa bằng tranh ảnh, dễ hiểu, đơn giản... Trong bài báo nhân Ngày hội đọc sách toàn quốc 23/4/2012 với tiêu đề: “Hứa hẹn sự khởi sắc của văn hóa đọc”, tác giả Linh Anh chia sẻ “Giới trẻ, thế hệ đọc tương lai có xu hướng đọc truyện tranh với những nội dung đơn giản, thậm chí thiếu lành mạnh, ngại đọc các loại sách kinh điển, lý luận, đặc biệt là các sách dày, nhiều tập. Giới trẻ chú ý thể loại truyện tranh trong khi gần như không quan tâm đến tiểu thuyết trong nước”
[5]. Tuy nhiên nghịch lý là ở chỗ, với tiểu thuyết nước ngoài “Giới trẻ còn đọc nhiều, tiểu thuyết Kim Dung dài tập vẫn đang bán rất hút hàng, thậm chí các bạn trẻ hiện nay còn lên mạng download truyện Cổ Long về đọc. Sách truyện dày như Harry Potter vẫn bán rất chạy… trong khi truyện Việt Nam in mỏng, giá rẻ lại ít người mua” (http://vietbao.vn).
- Sự kết hợp giữa phương thức đọc truyền thống và phương thức đọc hiện đại thể hiện qua sự giao kết giữa sách in – điện ảnh. Hàng loạt bộ phim như: Đất phương Nam, Thời xa vắng, Đừng đốt thu hút nhiều người quan tâm chú ý. Đặc biệt là Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư đã tạo ra một phương thức tiếp cận mới, truyền dẫn cách cảm thụ nghệ thuật mới trong sự giao thoa giữa văn hóa đọc và văn hóa nghe nhìn. Theo điều tra trên trang điện tử vietbao.vn ngày 12/4/2006 có đến 855 người ủng hộ chỉ có 13 người phê phán trong tổng số 868 người tham gia diễn đàn “Đối thoại về Cánh đồng bất tận” [6]. Cùng với đó là một cuộc khảo sát khác trên trang điện tử Vnexpress.net về sự yêu thích của khán giả dành cho bộ phim Cánh đồng bất tận thu được kết quả khá thú vị: 80,8 % số người trả lời yêu thích bộ phim với số phiếu 3.793/4.695 phiếu. Từ tác phẩm văn học đến với lĩnh vực điện ảnh, Cánh đồng bất tận khẳng định sự kết nối, hỗ trợ cho nhau trong phương thức đọc truyền thống và phương thức đọc hiện đại; văn hóa đọc và văn hóa nghe nhìn không lất át mà bổ sung cho nhau. Như vậy, việc hình thành kiểu đọc mới xuất hiện và giữ vị trí quan trọng trong phương thức đọc hiện đại. R. Escarpit gọi đó là kiểu đọc “chủ quan” luôn hành trình cùng tác giả - tác phẩm mà còn trong nhiều chuyến đi khác: “Độc giả trong nhóm này thường tìm cách tiếp tục hành trình bằng nhiều cách khác nhau, như sau khi đọc truyện họ sẽ đi xem phim chuyển thể từ truyện và ngược lại” [3]. Điều này đúng với thực tế giữa tiếp nhận giữa văn học và điện ảnh và trả lời được câu hỏi: Vì sao nhiều tác phẩm văn học chuyển thể sang phim lại được yêu thích và mến mộ đến thế! Việc kết hợp giữa phương thức đọc truyền thống và phương thức đọc hiện đại sẽ tạo ra cách đọc tiện ích cho người đọc trong việc tiếp nhận tác phẩm văn học. Hệ thống thư viện từ Trung ương cho đến địa phương được mở rộng; Việc hình thành thư viện điện tử và việc chuyển đổi từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử tạo ra bước phát triển mới cho ngành thư viện, phục vụ nhu cầu đọc sách của đông đảo bạn đọc.
2.2. Bất cập của văn hóa đọc - căn nguyên của sự đọc
Tại Việt Nam chưa hình thành và xây dựng được chiến lược cụ thể và lâu dài cho việc phát triển văn hóa đọc. Việc phát triển công nghệ thông tin tạo điều kiện tốt cho việc đọc và hình thành các phương thức đọc mới góp phần vào sự phân hóa thị hiếu đọc của công chúng. Việc đọc sách chủ yếu rơi vào các nhóm độc giả là học sinh – sinh viên, nhà nghiên cứu làm việc trong môi trường có liên quan đến sách vở, tri thức, còn nhóm độc giả là những người đi làm ngoài ngành ít có cơ hội đọc sách. Nhóm người đọc ở thành thị chiếm tỷ lệ cao bên cạnh nhóm người đọc ở miền núi và và nông thôn. Khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa ít có thói quen đọc sách, vì điều kiện sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bên cạnh đó, hình thức văn học mạng, sách đọc trên mạng internet chỉ cập nhật ở nơi có internet, hệ thống nhà sách, thư viện phát triển còn ở vùng nông thôn do cơ sở vật chất, hạ tầng, giao thông còn thiếu và yếu nên việc đọc sách và cập nhật những nguồn sách mới hầu như là không đầy đủ. Điều này đã tạo ra sự chênh lệch khá lớn trong đối tượng tiếp nhận, và có sự phân hóa rõ rệt với từng đối tượng đọc sách.
Thói quen đọc, kỹ năng đọc của độc giả chưa được định hướng một cách cụ thể, bài bản. Việc lựa chọn chương trình giáo dục, phương thức đọc còn mang tính tự phát chưa có hệ thống từ các cấp học như: Tiểu học, trung học, đại học… Bởi vì hệ thống giáo dục là nền tảng xây dựng thói quen đọc, giáo dục xây dựng văn hóa đọc lành mạnh.
Ngày nay, người đọc có xu hướng “chạy theo” tâm lý đám đông, “chạy” theo nhu cầu của thị trường, theo các chiêu PR, quảng bá từ các đơn vị xuất bản sách; ”chạy theo” những cuốn sách bị “cấm” để giải quyết sự tò mò, giải trí hơn là đọc để trau dồi về tri thức. Tâm lý đọc này đã tạo ra sự thay đổi thói quen đọc sách, và phương thức đọc sách của người đọc. Nếu như Malaysia đã có những cuộc điều tra về sự đọc trên quy mô toàn quốc trong 20 năm nay thì Việt Nam tính đến thời điểm này chưa có một cuộc tổng điều tra về văn hóa đọc trên quy mô toàn quốc để có thể đánh giá mức độ đọc của công chúng hiện nay.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường, khoa học kỹ thuật khiến người đọc có ít thời gian dành cho việc đọc sách. Quỹ thời gian eo hẹp cùng với sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí nghe – nhìn đã làm thay đổi thói quen đọc sách. Người Việt Nam đọc sách nhanh hơn, sách mỏng hơn và “đọc lướt” hơn. Khi đọc họ có xu hướng đọc trên mạng internet, điện thoại di động còn việc đọc trên sách in ngày càng giảm. Như vậy, văn hóa đọc ở Việt Nam chịu tác động từ các phương tiện nghe nhìn như truyền hình, báo mạng, sách điện tử... Vì vậy, việc hình thành các kiểu đọc (hay là phê bình): phê bình báo chí và phê bình hàn lâm bên cạnh kiểu đọc đơn thuần là một sự tồn tại song hành và bổ trợ cho nhau. Bởi lẽ chúng ta không thể phủ nhận rằng: các phương tiện truyền thông đại chúng là con đường nhanh nhất để phê bình chuyên nghiệp đến với đối tượng độc giả là những người đọc đơn thuần.
Mặc dù không phủ nhận vai trò và tiện ích của các phương tiện truyền thông trong đó có sách điện tử nhưng nhóm điều tra lại thu được kết quả 67,9% số người được hỏi cho rằng, tiện ích truyền thông không thể thay thế cho sách in. Tương quan lựa chọn này thể hiện ở việc chọn đọc sách in và sách điện tử [5,6].
Trước thực trạng hiện nay, tổ chức NEA của Mỹ cho rằng “đâu đâu cũng thấy việc đọc đang bị coi nhẹ”, trong đó biên tập viên Donna Seaman của tổ chức Danh mục sách (Hội thư viện Mỹ) nhấn mạnh: “Tôi chứng kiến sự ra đời của hàng trăm cuốn sách mỗi tuần, hình thức đẹp, nội dung từ thơ ca đến tiểu thuyết đều vô cùng sâu sắc. Thế nhưng người dân cứ mỗi ngày một đọc ít... Tôi nghĩ chúng ta đang đứng trước công việc của một nghệ thuật chết, một thế giới chết, nếu chúng ta không đánh thức được niềm say mê đọc nơi những người trẻ tuổi” [3].
3. Giải pháp và kiến nghị
3.1. Giải pháp
- Ngay từ khi còn nhỏ việc đọc cần sự định hướng, hướng dẫn đúng đắn từ gia đình, nhà trường. Vấn đề đổi mới phương pháp dạy và học; xây dựng thói quen đọc, kỹ năng đọc như một môn học cần thiết cần được áp dụng ở các cấp học. Thầy cô giáo là người chọn lọc và định hướng học sinh đến với tác phẩm hay, có ý nghĩa; tạo cho độc giả niềm hứng khởi khi đọc tác phẩm văn học thông qua nhiều hình thức như thuyết trình về văn học, hội diễn văn nghệ, kịch chuyển thể từ tác phẩm văn học, hội thi kể chuyện v.v… Từ góc độ gia đình, sự quan tâm, hướng dẫn chỉ bảo của bố mẹ sẽ tạo cho giới trẻ thói quen đọc sách lành mạnh và những kỹ năng cần thiết để lựa chọn sách đọc. Như vậy, thói quen đọc sách của công chúng được nâng cao, xây dựng kỹ năng đọc và trau dồi tri thức một cách toàn diện hơn. “Theo tôi, giải pháp thiết thực nhất là cần mở rộng, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền trong nhà trường; chẳng hạn, giáo viên nên thuyết trình, lí giải được những ý hay, ý đẹp của tác phẩm văn học nghệ thuật; gợi ý, chỉ dẫn cho các em nên đọc cuốn sách nào? Tìm ở đâu? Và đọc như thế nào? Không chỉ các em đọc mà giáo viên cũng phải đọc cùng các em” (Nam, 23 tuổi, nữ sinh viên năm thứ 4 khoa Văn học).
- Về phía đội ngũ sáng tác cần sự sáng tạo, đổi mới về nội dung và hình thức tạo nên tác phẩm văn chương có giá trị nghệ thuật cao, thu hút độc giả. Bên cạnh đó cần sự trao đổi giữa tác giả và bạn đọc để đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của công chúng trong tiếp nhận văn học
- Hiện nay báo chí truyền hình là kênh thông tin có tác động lớn nhất đến dư luận xã hội. Vì vậy, việc “mượn” kênh thông tin này để giới thiệu sách đọc, tăng cường và triển khai việc tuyên truyền, quảng bá, định hướng thu hút bạn đọc; Truyền bá sách đọc có chất lượng cao từ nước ngoài và trong nước để định hướng cho văn hóa đọc phát triển. Bên cạnh đó, các cơ sở quản lý trang thông tin mạng, băng đĩa hình, sách báo cần thống nhất trong phương thức quản lý, tiếp nhận, trình bày để có những trang sách đẹp, hấp dẫn góp phần vào việc hướng dẫn, kích thích đọc.
- Môi trường đọc cũng là một trong những giải pháp quan trọng tạo hứng thú cho người đọc và thúc đẩy văn hóa đọc phát triển. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng trang thiết bị hiện đại cho các thư viện và hỗ trợ xây dựng thói quen đọc tại thư viện, siêu thị sách; phát triển loại hình chuyển phát nhanh, mang sách đến với vùng sâu vùng xa góp phần xây dựng thị hiếu đọc lành mạnh cho công chúng.
- Hệ thống xuất bản: Các biên tập viên tại các nhà xuất bản cần được chú trọng, đào tạo nâng cao nghiệp vụ hàng năm. Biên tập viên văn học phải có “con mắt xanh” đánh giá, biên tập, được những tác phẩm văn học hay. Nhà xuất bản tổ chức giới thiệu, quảng bá sách dưới nhiều hình thức: ngày hội sách, thi sáng tác, đồng tổ chức các giải thưởng nghệ thuật… nhằm cổ vũ cho phong trào đọc sách tạo không khí văn hoá đọc lành mạnh và bổ ích cho mọi đối tượng trong đó có giới trẻ.
3.2. Kiến nghị
- Tiến hành tổng điều tra văn hóa đọc trên quy mô cả nước định kỳ 10 năm một lần, nhằm đánh giá đúng thực trạng đọc sách hiện nay để có những định hướng đúng đắn trong phát triển văn hóa đọc.
- Xây dựng thói quen đọc sách lành mạnh cho người đọc thuộc nhiều thành phần trong xã hội thông qua các tổ chức, các hình thức đọc sách như tuần đọc sách, tháng đọc sách, thi kể truyện theo sách …
- Bộ giáo dục và đào tạo cần xây dựng và triển khai chương trình giáo dục kỹ năng đọc, xây dựng thói quen đọc như một môn học bắt buộc cho học sinh ngay từ cấp học mầm non đến tiểu học, trung học một cách có hệ thống.
Kết luận
Văn hóa đọc ở Việt Nam đang dần “nhạt phai”. Người đọc nhất là giới trẻ có xu hướng “lười đọc”, đọc ít, đọc nhanh. Tâm lý chung của họ là ngại đọc sách dày, ngại đọc sách in, ngại đọc sách về vấn đề lý luận - ngại đọc vì không có thời gian. Điều này đã tạo ra sự phân hóa mạnh mẽ trong thị hiếu đọc của công chúng. Tuy văn hóa đọc ở Việt Nam chưa được coi là một khái niệm, một định nghĩa thống nhất nhưng những nghiên cứu gần đây về thực trạng văn hóa đọc hiện nay là hướng nghiên cứu, tìm tòi quan trọng để đi đến sự thống nhất, hoàn thiện. Nói như Sunil Lyengar, Giám đốc mảng Nghiên cứu và Phân tích tình hình NEA của Mỹ: Những cuộc điều tra của chúng tôi cho thấy, các “nhà văn cũng không nản lòng” bởi lẽ người đọc “không bỏ rơi họ” mà chỉ là cái cách mà họ hướng đến đó là các kiểu đọc mới, phương thức tiếp nhận phù hợp hơn trong thời đại cuộc sống số. Việc hiểu được hành vi, nhu cầu của người đọc trong tiếp nhận văn học cũng là cách mà người ta hiểu văn học tác động đến người đọc như thế nào. Cho dù xã hội phát triển đến đâu thì việc đọc sách vẫn được đặc biệt coi trọng, đó là nhu cầu tinh thần cần thiết. Bởi văn học với người đọc luôn vĩnh cửu, trường tồn với thời gian nó là sự kết nối với truyền thống và hiện đại, giải trí và thẩm mĩ, nhận thức và giáo dục đối với công chúng nói chung và giới trẻ nói riêng. Về phía các nhà văn, nhà xuất bản, cần có định hướng đúng đắn trong sáng tạo văn học, in ấn, phát hành, tạo lập một văn hoá đọc lành mạnh và hữu ích. Điều đó, rất cần sự giúp đỡ, phối hợp từ nhiều cấp ngành, nhất là trong cơ chế kinh tế thị trường để có phương hướng xuất bản sách một cách đồng bộ, chọn lọc, hợp lý… góp phần cổ xuý và gìn giữ văn hóa đọc ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 42/CT – TW ngày 25/8/2004 của BCH TW Đảng.
2. Lộc Phương Thủy. Xã hội học văn học: Đề tài nghiên cứu cấp Bộ (2007 – 2009). - Đề tài đã được nghiệm thu bao gồm 757 trang. Trong đó phần nghiên cứu: Một số vấn đề về xã hội học Văn học. Nghiên cứu ứng dụng vào Việt Nam (gồm 382 trang). Phần dịch thuật là 375 trang, dịch thuật một số tài liệu liên quan bằng tiếng Anh và tiếng Pháp của một số các tác giả xã hội học R. Escarpit, L. Goldmann, P. Bourdieu,…
3. Nance Kevin. Chuyện không chỉ của độc giả / Kevin Nance (Mỹ); Đàm Ngọc Xuyến dịch // Tạp chí Văn nghệ. - Số 1,2,3. - 2012.
4. Phạm Văn Quyết, Nguyễn Quý Thanh. Phương pháp nghiên cứu xã hội học. – H.: Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004. – Tr. 12 - 55.
5. Tôn Thảo Miên. Tác động của văn học nghệ thuật đến việc hình thành lối sống và nhân cách của con người Việt Nam hiện nay” Đề tài nghiên cứu cấp Bộ (2010 – 2011). - H.: Viện Văn học. (Nhóm thực hiện đề tài đã tiến hành khảo sát trên địa bàn Hà Nội tại một số trường THPT và Đại học và những người đã đi làm).
6. Tôn Thảo Miên. Đề tài nghiên cứu cấp Bộ (2011 - 2012): Công chúng và giao lưu, quảng bá văn học thời kỳ đổi mới (1986 – 2010) (thuộc Chương trình: Văn học Việt Nam 25 năm đổi mới và phát triển (1986 – 2010). - H.: Viện Văn học. (Nhóm thực hiện đề tài điều tra vấn đề đọc của công chúng thông qua thực tiễn khảo sát người đọc cụ thể. Đối tượng khảo sát được lựa chọn ngẫu nhiên tại địa bàn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh).
7. Vũ Thị Thu Hà, tham luận “Nhu cầu đọc sách của sinh viên hiện nay”. – Hội thảo khoa học cuối năm Viện Văn học, năm tháng 1. 2009. (Khảo sát bằng bảng hỏi với 120 sinh viên trường ĐHKHXH và NV thuộc các khoa Văn học, Lịch sử, Tâm lý từ sinh viên năm thứ 2 và năm thứ 4; 8 mẫu phỏng vấn sâu và 2 cuộc thảo luận nhóm. Trong 8 mẫu phỏng vấn sâu có 4 mẫu dành cho sinh viên và 4 mẫu dành cho học sinh khảo sát tại các hiệu sách (nhóm tuổi từ 8 đến 18 tuổi).
8. Linh Anh. “Hứa hẹn sự khởi sắc của văn hóa đọc” nhân Ngày hội Đọc sách 23/4/2012. (http://www.baomoi.com).
9. Số liệu sử dụng trong bài viết là số liệu được điều tra trên trang điện tử vietbao (
http://vietbao.vn/Van-hoa/868-y-kien-tham-gia-doi-thoai-voi-Canh-dong-bat-tan/40132370/105/) ngày 12/4/2006.
[1]http://www.cinet.gov.vn/upLoadFile/HTML/10_35_58_2042011/index.html. Bộ VHTTDL phối hợp cùng Ban Điều hành Dự án giáo dục Sachhay.com tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam” tại TP.HCM vào sáng 16.9.2010.
[2]“Chuyện không chỉ của độc giả” của tác giả Kevin Nance (Mỹ) do Đàm Ngọc Xuyến dịch, đăng trên tạp chí Văn nghệ số 1,2,3 năm 2012.
[3]Nhà phê bình văn học chuyên nghiệp của tuần báo Chicago Sun – Times.
[4]http://www.nxbkimdong.com.vn/chi-tiet-tin/20-tin-tuc/van-hoa-doc/95057-nguoi-viet-nam-chua-co-van-hoa-doc-.html
[5]Điều tra “thực trạng đọc sách của giới trẻ hiện nay” tại địa bàn Hà Nội tháng 8 – 9/2012. Điều tra ngẫu nhiên 120 người đọc có độ tuổi từ 7 – 30 tuổi, đang đi học và đi làm.
_____________
Vũ Thị Thu Hà
Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. - 2013. - Số 2. - Tr. 20-27.