TRIỂN KHAI HIỆU QUẢ CÁC HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG THÁNG THANH NIÊN NĂM 2024

SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC THÁI BÌNH ĐẠT GIẢI NHÌ TẠI CUỘC THI VIẾT BÀI LUẬN DÀNH CHO SINH VIÊN Y KHOA TOÀN QUỐC VỚI CHỦ ĐỀ “THẾ NÀO LÀ NGƯỜI BÁC SỸ TỐT”

Thứ hai - 17/12/2018 11:26

       Nhằm xây dựng diễn đàn để chia sẻ và thảo luận những đổi mới tiến bộ trong giáo dục y khoa tại Việt Nam và khu vực, ngày 01- 02/12, tại Trường Đại học Y Dược Huế , Bộ Y tế, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổ chức hợp tác phát triển y tế Việt Nam (HAIVN) đã tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai về “Đổi mới trong đào tạo y khoa” với chủ đề “Giảng dạy lâm sàng và đào tạo chuyên khoa trong đổi mới đào tạo nhân lực y tế”.

      Trước đó, Liên minh IMPACT-MED đã tổ chức cuộc thi viết bài luận dành cho các sinh viên y khoa Việt Nam trên toàn quốc. Chủ đề của cuộc thi viết luận là “Thế nào là một bác sĩ tốt ?”. Ban tổ chức đã nhận được gần 200 bài dự thi của các sinh viên y khoa trên toàn quốc thể hiện suy nghĩ của mình về hình ảnh người bác sĩ lý tưởng. Tại hội nghị, sinh viên Lê Thị Ngọc Mai, lớp Y2E K47 Trường Đại học Y Dược Thái Bình vinh dự được Ban tổ chức trao giải Nhì của cuộc thi.

 
b
 
c

        Toàn văn bài dự thi của sinh viên Lê Thị Ngọc Mai:

        Trong tiếng việt, từ "thầy" thường được dành cho người có khả năng, trình độ trong một lĩnh vực nào đó, có thể hướng dẫn, dạy bảo cho người khác, hoặc dùng để gọi người cha trong những gia đình nhà nho, trung lưu, thượng lưu ngày trước. Nói vậy để thấy rằng, từ"thầy thuốc" mà xã hội dành cho người bác sĩ, bao hàm cả một thái độ tôn trọng lớn lao. Chẳng phải tự nhiên mà nghề y được gọi là nghề cao quý. Có nhà báo đã nói rằng: "Công việc của các y bác sĩ có lúc như một trận đánh để giành giật sự sống cho một con người, và điều này có thể nói là quý giá và thiêng liêng hơn bất cứ điều gì". Vậy có bao giờ bạn tự hỏi: "Thế nào là một người bác sĩ tốt?". Đối với câu hỏi này, có lẽ mỗi người sẽ có câu trả lời cho riêng mình, mỗi người sẽ có một hình mẫu bác sĩ lý tưởng. Tuy nhiên với tôi, khi nói về một bác sĩ tốt, người đầu tiên tôi nghĩ tới, người mà tôi rất ngưỡng mộ, hình tượng bác sĩ mà tôi muốn noi theo, đó là ba tôi. Đã có lần tôi hỏi ba: "Tại sao ba lại muốn trờ thành bác sĩ?". Ba không trả lời mà kể cho tôi nghe chuyện xưa của mình. Rằng ông sinh ra trong một gia đình nông dân. Vì nhà nghèo lại đông con, ông bà nội phải lo toan, lao động mưu sinh rất vất vả. Rồi vào một đêm đông, bà nội đột ngột lên cơn đau dữ dội, cả nhà vội đưa bà tới trạm y tế, nhưng thời ấy vùng nông thôn này nghèo lắm, ăn còn không đủ thì tìm đâu ra bác sĩ giỏi. Bà nội được chuyển lên tuyến trên, ba nói rằng khoảnh khắc bác sĩ đưa bà thoát khỏi bàn tay tử thần đã thôi thúc ông phải trở thành một bác sĩ. Sau khi tốt nghiệp, ba từ chối tới làm việc tại các bệnh viện tuyến trên mà chọn một bệnh viện ở huyện miền núi nghèo. Suốt bao nhiêu năm qua, chưa lần nào tôi thấy ba lơ là, ngơi nghỉ công việc của mình. Có những đêm ông trằn trọc, thao thức, băn khoăn về bệnh nhân, sợ rằng bệnh nhân mới phẫu thuật không uống thuốc đúng giờ, lo lắng cho cụ ông vừa mới nhập viện sẽ chịu nhiều khổ sở vì bệnh tật, thương em bé nhập viện đã lâu ngày, chịu bao đau đớn mà căn bệnh vẫn chưa dứt, cứ tiếp tục hành hạ em. Có những lần ông lặn lội tìm tới tận nhà bà con ở những bản làng xa để thăm khám... Dù có bao nhiêu khó khăn nhưng chưa một lần tôi thấy ba kêu ca,than vãn điều gì. Chỉ thấy ông vẫn hăng say với công việc, vẫn hàng ngày thăm khám, điều trị, làm những điều mà ông cho là tốt nhất với bệnh nhân của mình, giống như một chiến binh thầm lặng mang tới những điều tốt đẹp cho mọi người. Mỗi khi điều trị thành công cho một bệnh nhân, trong mắt ba ánh lên một niềm vui, hạnh phúc khó mà diễn đạt thành lời. Có lẽ, khi bàn về một bác sĩ tốt, mỗi người sẽ có một quan điểm khác nhau, nhưng với tôi, không phải là điều gì quá lớn lao, vĩ đại, một bác sĩ tốt đơn giản là những bác sĩ giống như ba tôi. Đó là những con người luôn hết lòng vì bệnh nhân, những con người có trái tim nhân hậu, nhiệt huyết và quan trọng nhất là lòng yêu nghề, trách nhiệm với chính nghề nghiệp của mình. Lòng yêu nghề của một bác sĩ không thể chỉ là cảm tính nhất thời, vì hình tượng "áo choàng trắng" hay vì những gì xã hội tôn vinh với nghề y, mà nó phải được xây dựng trên cơ sở nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm, về những khó khăn, gian khổ, sự hi sinh thầm lặng của mỗi người bác sĩ. Nghề y là một nghề học suốt đời. Con người là vốn quý nhất. Y học ngày càng phát triển nhưng bệnh tật thì cũng thiên biến vạn hóa theo thời gian. Đúng sai trong y học nhiều khi chỉ là một ranh giới rất mong manh, đòi hỏi người bác sĩ phải hết sức thận trọng, chỉ có cập nhật, nâng cao kiến thức liên tục mới giảm được những sai sót đáng tiếc, đem lại lợi ích tối đa cho người bệnh. Nói về ngành y, Bác Hồ đã dạy: "Lương y như từ mẫu". Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác thì nói rằng: "Không có nghề nào nhân đạo bằng nghề cứu người, không có nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức". Cho nên đã là một bác sĩ, bên cạnh cái tài còn phải có cái tâm. Nghề y thật đặc biệt bởi nó liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người. Bởi vậy, y đức luôn là vấn đề được cả xã hội quan tâm và đặt lên hàng đầu khi nhắc đến ngành y. Đó không phải thứ gì quá lớn lao, chỉ là sự ân cần, tận tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc đối với bệnh nhân. Điều cốt lõi nhất của y đức xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm của người bác sĩ mà thôi. Dù biết rằng, đâu đó trong xã hội này vẫn còn những sự cố y khoa do bác sĩ tắc trách, kém tay nghề... Nhưng tôi tin rằng, dù ở đâu, thời đại nào, trong xã hội đầy phức tạp vẫn sẽ còn đó những người thầy thuốc đúng nghĩa, với cái tâm và cái tài, mang tài năng và tình yêu thương của mình cống hiến cho đất nước, cho nhân dân, họ luôn xứng đáng được ca ngợi, xứng đáng với hai chữ "lương y"./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Xếp hạng: 0 - 0 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây