Kỹ năng thuyết trình – giao tiếp từ lâu đã trở thành một vấn đề được quan tâm hàng đầu của xã hội, đặc biệt là đối với các bạn sinh viên đang trong quá trình học tập tại các trường Đại học. Kỹ năng thuyết trình là một trong nhiều kỹ năng giao tiếp cơ bản. Do đó, kỹ năng thuyết trình bên cạnh đặc điểm riêng vẫn mang những đặc điểm chung của kỹ năng giao tiếp. Đó là khả năng nhận biết nhanh chóng những biểu hiện bên ngoài và đoán biết diễn biến tâm lý bên trong. Đồng thời biết sử dụng phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, biết cách định hướng để điều chỉnh và điều khiển quá trình giao tiếp đạt được mục đích đã định. Chuyên đề đã nhấn mạnh 03 tiêu chí cần thiết để có một buổi thuyết trình được đông đảo sự chú ý, lắng nghe của tập thể, quần chúng, đó chính là: Trách nhiệm, tích cực và tự tin.
Để buổi thuyết trình được diễn ra suôn sẻ và thành công cần phải chuẩn bị về rất nhiều các yếu tố như nội dung, diện mạo, sức khỏe, tâm lý…
- Về nội dung: người thuyết trình trình bày từ bao quát đến cụ thể, khoàng thời gian mà mình trình bày về một vấn đề trong khoảng thời gian bao nhiêu lâu? Vấn để nào là trọng tâm? Có những thông điệp gì cho mỗi vấn đề? Và tránh trường hợp lan man.
- Về diện mạo: cần phải chỉnh chu và gọn gàng để được sự thiện cảm từ phía người nghe.
- Về sức khỏe: người thuyết trình cần có sức khỏe ổn định để có tinh thần diễn thuyết cho người nghe, nếu như sức khỏe không được tốt, cơ thể mệt mỏi thì khi trình bày người nghe sẽ không cảm thấy hào hứng…
- Về tâm lý: Người thuyết trình cần sự chuẩn bị về mặt tinh thần để tạo sự tự tin, thoải mái và không có tâm trạng lo lắng, run sợ. Những người hay hồi hộp, sợ nói trước đám đông phải thực hành bằng nhiều cách khác nhau như: tập nói nhiều lần trước bạn bè, người thân, tham gia các hoạt động tập thể (ví dụ: tham gia tình nguyện…) hay thậm chí là nói một mình trước gương.
Tuy nhiên để để tránh tạo cảm giác khô khan cho người nghe thì khi triển khai bài thuyết trình, người thuyết trình cần phải có những kỹ năng nhất định để làm nên sự hấp dẫn trong bài thuyết trình của mình như: giọng nói không quá to hay quá nhỏ; ngữ điệu có điểm nhấn; dáng điệu và cử chỉ đĩnh đạc, tự tin, thoải mái; mắt nhìn thẳng vào người nghe; nét mặt tự nhiên, vui tươi đồng thời giữ thái độ nghiêm túc, lịch sự;… Ngoài ra, công tác dự phòng cũng là một phần không thể thiếu vì trong quá trình chuẩn bị và tiến hành buổi thuyết trình có thể xảy những sự cố phát sinh, khi đó người thuyết trình cần phải có những phản ứng nhạy bén để xử lý tình huống kịp thời.
Qua chuyên đề tìm hiểu về thuyết trình, giao tiếp, các bạn sinh viên đã phần nào được tiếp cận và có cái nhìn sâu sắc hơn về kỹ năng này – một kỹ năng vô cùng cần thiết trong quá trình học tập và làm việc sắp tới.
Các bạn sinh viên tham dự chuyên đề