Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên trường Đại học Y Dược Thái Bình

http://doanhoi.svydtb.edu.vn


Hội nhập ASEAN: Sinh viên cần chuẩn bị những gì?

Hội nhập quốc tế sẽ mở ra nhiều thuận lợi và thách thức cho sinh viên, nhất là trong bối cảnh nước ta chuẩn bị gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay.

Cần dạn dĩ hơn để hội nhập
Trước ngưỡng cửa hội nhập như vậy, sinh viên trường có tâm thế như thế nào, chuẩn bị những gì để không chỉ hòa nhập, mà còn tận dụng các cơ hội về học bổng, việc làm ở các nước ASEAN?

Bạn Thanh Thái Thanh Thanh (sinh viên Khoa Đông Phương học) tự tin chia sẻ: “Việc gia nhập AEC sẽ giúp sinh viên có nhiều cơ hội mới. Bản thân tôi thấy rằng sẽ phải nỗ lực nhiều hơn trong việc học, nhất là tiếng Anh và tiếng Indonesia - chuyên ngành của tôi để có thể tìm cơ hội du học, làm việc ở những môi trường tốt”. 

“Tôi mong muốn được đi du học tại Malaysia và sẽ cố gắng ở lại đó làm việc vài năm để tích lũy kinh nghiệm rồi quay trở về Tây Ninh phát triển sự nghiệp trên chính quê hương mình”, bạn Phan Trần Thị Thu Huyền (sinh viên Bộ môn Du lịch) đặt ra mục tiêu.
Bạn Phan Trần Thị Thu Huyền tham gia hoạt động Mùa hè xanh của CLB Văn minh học đường, 
Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM 
Việc gia nhập AEC sẽ không tránh khỏi quy luật cạnh tranh trong đào tạo và tuyền dụng. Nhiều sinh viên cho rằng sự dạn dĩ chính là điều kiện cần để dễ dàng hòa nhập với bạn bè quốc tế. 

“Tôi thấy so với sinh viên nước ngoài, nhiều sinh viên trường có kiến thức tốt nhưng vẫn còn khá rụt rè trong giao tiếp, trình bày một vấn đề. Cá nhân tôi cũng tự thấy chưa thật sự chủ động trong các chương trình giao lưu, hội thảo quốc tế. Các bạn nước khác hoà nhập rất nhanh trong mọi tình huống. Thật ra không phải ai cũng nói tốt tiếng Anh tốt nhưng họ lại dạn dĩ hơn mình và thích nghi nhanh. Điều này khiến tôi phải suy nghĩ và cần phải học hỏi rất nhiều để hoàn thiện bản thân”, bạn Lê Minh Huyền (sinh viên Khoa Báo chí và Truyền thông) chia sẻ.
Bạn Lê Minh Huyền cho rằng sự tự tin sẽ giúp việc hòa nhập với bạn bè quốc tế trở nên dễ dàng hơn. 
 
Bạn Lê Kim Ngân (sinh viên Bộ môn Du lịch) lại cho rằng: "Hiện nay, nhìn chung sinh viên Việt Nam đang khá hạn chế về mặt ngoại ngữ. Và đó cũng là một trong số những lí do khiến sinh viên Việt Nam gặp khó khăn trong việc tìm một việc làm tốt với mức lương phù hợp sau khi ra trường".
 
Ngoại ngữ là chìa khóa để giành học bổng du học 
Việc hội nhập ASEAN giúp các trường đại học nói chung và Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM nói riêng có thêm nhiều chương liên kết, trao đổi sinh viên,… Qua đó, sinh viên trường có thể dễ dàng du học, thực tập tại các nước ASEAN. Nhiều sinh viên nhận định việc nâng cao trình độ ngoại ngữ chính chính là chìa khóa để mở ra nhiều cơ hội trong quá trình hội nhập, trở thành công dân ASEAN.

“Học tiếng Anh là việc cần ưu tiên khi chúng ta bước vào giảng đường đại học”, bạn Hoàng Thị Ngọc Diễm (sinh viên Khoa Ngữ văn Anh) cho biết.

Cùng quan điểm, bạn Trần Thủy Tuyết Nhung (sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế) chia sẻ: "Tôi nghĩ mình cần tìm hiểu nhiều hơn về cộng đồng ASEAN, nhất là cơ hội cho mỗi người cũng như những thách thức để có một tâm thế tốt nhất cho việc hội nhập. Mỗi bạn trẻ cần tích luỹ cho mình kỹ năng tốt, nhất là kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp. Bên cạnh tiếng Anh, sinh viên cần học thêm các ngôn ngữ khác để có thễ cạnh tranh với các bạn trẻ đến từ các quốc gia khác”.
 
Bạn Trần Thủy Tuyết Nhung (thứ hai từ trái qua) tham gia chương trình tình nguyện viên hỗ trợ du khách nước ngoài
Bên cạnh đó, nhiều bạn mong muốn nhà trường nên tạo thêm nhiều cơ hội thực tập nghề nghiệp và mở rộng các chương trình, lễ hội giao lưu văn hóa quốc tế.

Bạn Lê Minh Huyền, đề xuất: "Các khoa, bộ môn nên tạo cơ hội cho sinh viên đi thực tập nhiều hơn, nếu có thể được thì nhà trường nên cắt giảm thời lượng các môn học đại cương để tăng thêm thời gian cho các môn chuyên ngành, các môn kỹ năng”. 
 
Bạn Lê Minh Huyền (hàng thứ hai, thứ ba từ trái qua) từng tham gia chương trình Jenesys 2.0 năm 2015 
Cần nhiều sự thay đổi
Các sinh viên cho rằng, cần tiếp tục nhiều thay đổi để sinh viên có thể cạnh tranh, hợp tác bình đẳng với thanh niên, sinh viên trong khu vực, nhất là khi họ gia nhập vào thị trường lao động. Trước hết, sinh viên cần đặt cho mình những yêu cầu cao nhất trong quá trình học tập và rèn luyện. Thực tế cho thấy, sự tự mãn, tự ti sẽ khiến cho chính sinh viên đứng yên trong khi mọi thứ xung quanh đều vận động. Thời gian trên giảng đường là rất ngắn, và sinh viên cần tận dụng tốt nhất giai đoạn quý giá này. Khoa, trường cần tổ chức nhiều hơn hoạt động ngoại khoá một cách chuyên nghiệp, giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng có ích cho quá trình học và làm việc sau khi tốt nghiệp. Sự điều chỉnh và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo cho phù hợp với các chuẩn chung của các đại học ASEAN cũng được sinh viên đặc biệt quan tâm. 

Việc gia nhập AEC và những bước tiến của nước ta trong khối ASEAN đem lại rất nhiều cơ hội cho mỗi sinh viên. Để nắm bắt những cơ hội đó và trở thành công dân ASEAN, sinh viên trường cần trau dồi thêm các kỹ năng, kiến thức về văn hóa, xã hội của các quốc gia trong khu vực, nâng cao trình độ ngoại ngữ. Đồng thời, cần tự tin, chủ động tham gia các hoạt động liên kết, chương trình giao lưu, trao đổi sinh viên giữa các trường đại học trong khu vực và thế giới.

Nguồn tin: Hội Sinh Viên Việt Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây